Làm sao để những khu rừng đã trồng tồn tại bền vững? Các chính sách và cơ chế quản lý của các cơ quan liên quan cũng như chính quyền địa phương có gì cần cải thiện? Cơ hội nào cho người dân có thêm một nguồn sinh kế nhờ rừng?
Đó là những vấn đề đã được tập trung bàn luận trong buổi Tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực trồng và phục hồi rừng” do VARS phối hợp cùng UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao CEGORN tổ chức ngày 29/03/2024. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện đánh dấu Khởi động năm trồng rừng thứ 4 của VARS.

Tham dự Tọa đàm có ông Đinh Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình; ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Ông Vũ Xuân Thôn – Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp cùng các chuyên gia, cán bộ VARS, và những chủ rừng đã tham gia dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn bằng cây bản địa.
MÔ HÌNH XÃ HỘI HÓA VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA VARS SAU 3 NĂM
Mở đầu Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sự – Chuyên gia Tài nguyên và Phát triển, Cán bộ thực địa VARS đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động của VARS. Sau 3 năm hoạt động (2021-2023), VARS đã trồng rừng tại 21 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La, đạt 511 hecta cây bản địa như Dổi, Lim, Lát, Xoan, Gáo vàng,….
Ngay từ ngày đầu, chương trình trồng rừng của VARS đã lựa chọn đi theo mô hình xã hội hóa, nghĩa là huy động tất cả nguồn lực: từ chính quyền, các đơn vị chuyên môn, các chủ rừng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, … để triển khai hoạt động trồng rừng. Rừng của VARS định hướng là rừng cây bản địa thuộc sở hữu cá nhân, người dân chủ động chăm sóc và thụ hưởng toàn bộ lợi ích. Với mô hình này, VARS có thể tối giản các chi phí vận hành và tối đa hóa nguồn lực cho công tác thực địa. Hơn nữa, người dân được đặt ở vị trí trung tâm, tận dụng tri thức bản địa để việc trồng rừng thực sự mang lại lợi ích và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương.
Dựa trên những kết quả kể trên, các đại biểu – đại diện cho từng bên đã tham gia vào mô hình xã hội hóa của VARS – đã tập trung thảo luận để cùng đánh giá mức độ hiệu quả, xác định rõ ưu, nhược điểm cũng như đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho thời gian sắp tới.
ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN TẠI THỰC ĐỊA
Về phía người dân, đại diện các chủ rừng tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Tà Rụt (Quảng Trị) chia sẻ về những thuận lợi – khó khăn khi triển khai trồng và chăm sóc rừng ở thực địa. Lo lắng lớn nhất của người dân vẫn là vấn đề nguồn vốn. Rừng gỗ lớn cần thời gian dài mới có thể phát triển vững vàng, trong khi cuộc sống của người dân ở vùng đệm còn rất khó khăn, nguồn thu nhập cực kỳ hạn chế, không nhiều gia đình có đủ tiềm lực kinh tế để “nuôi rừng” hàng chục năm. Hơn nữa, công sức người dân bỏ ra để trồng và chăm sóc cây là không thể đo đếm. Rừng của VARS trồng trên đất sản xuất được giao cho người dân, thường là những diện tích đã bị bạc màu do để trống lâu năm. Trồng trên đất đồi trọc, lại là trồng những cây gỗ bản địa có giá trị nên muốn cây sống qua mùa hạn hán, người trồng rừng phải bỏ ra rất nhiều công sức.

Trước những khó khăn đó, để việc trồng rừng bằng cây bản địa có thể duy trì và lan rộng, chính các chủ rừng đã tìm nhiều cách khác nhau để có thêm nguồn vốn. Bác Trần Tuấn Phương – chủ rừng tại xã Thuận Hóa, Quảng Bình chia sẻ: “Ngoài việc trồng rừng, tôi huy động cố vấn lập ra hợp tác xã bao gồm những người đã có thu nhập rồi, động viên họ đưa những phần dư dả đó để đi trồng rừng. Năm nay chúng tôi mới trồng 7ha cây rồi, trồng vừa mới xong. Còn 4ha thì vẫn duy trí dù khó khăn đến mấy duy trì với VARS để tạo thành rừng theo chương trình.”
Ngoài ra, việc triển khai nông – lâm kết hợp cũng được đẩy mạnh. Tại tỉnh Quảng Trị, UBND các xã đã khuyến khích bà con trồng thêm cây nông nghiệp ngắn ngày xen kẽ với cây rừng, như sẵn, ngô, chuối lùn,…Ông Hồ Văn Bước, chủ rừng tại xã Tà Rụt, ĐakRông chia sẻ: “Song song với cây gỗ lớn thì chúng tôi trồng xen kẽ cây chuối lùn rất là hiệu quả, đã lấy ngắn nuôi dài. Khi mà rừng khép tán, chúng tôi sẽ nghiên cứu trồng thêm những cây nông sản, cây gỗ khác hoặc cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương và góp phần phát triển rừng bền vững.”

CẢI THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH VÀ VAI TRÒ HỖ TRỢ, QUẢN LÝ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Để giải quyết triệt để những khó khăn và khúc mắc của người trồng rừng đòi hỏi nỗ lực tập thể, bắt đầu từ chính hệ thống chính sách và chính quyền địa phương. Ngày 11/4/ 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quy định số 524 phê duyệt Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025. Đây chính là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của Đảng và nhà nước đối với công tác trồng, phục hồi rừng tự nhiên. Sau ba năm, hoạt động triển khai đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Diện tích rừng được bảo vệ hàng năm khoảng 11.565.000 ha, trồng mới bình quân 235 nghìn ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt 136 nghìn ha/năm.
Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại xoay quanh đề án. Tỷ lệ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng rừng hiện tại còn rất thấp, chủ yếu là rừng nghèo, nghèo kiệt và rừng phục hồi (gần 2,4 triệu ha, chiếm tỷ lệ khoảng 75%), nhiều loài cây trong rừng tự nhiên chủ yếu thuộc nhóm gỗ tạp, giá trị sử dụng và kinh tế thấp. Ngoài ra, quỹ đất để trồng rừng mới ngày càng hạn chế và thường bị điều chỉnh quy hoạch sang đất khác do phát triển kinh tế xã hội; điều kiện trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ngày càng khó khăn (ở địa hình núi cao, chia cắt, độ dốc lớn, đất đai nghèo kiệt, xói lở, trồng rừng ven biển,…). Chính vì vậy, điều quan trọng trước hết là cần hoàn thiện các quy định về Luật đất đai và quyền sử dụng đất, ưu tiên dành quỹ đất cho các hoạt động bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng.

Một số đại biểu cũng đã đưa ra ý kiến, có thể xem xét đưa trồng rừng thành một quy định bắt buộc với mọi doanh nghiệp có hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, để từ “nên” trồng thành “phải” trồng. Theo đó, nhà nước có thể hỗ trợ tiền để có tiền trồng rừng. Coi như cho dân ứng tiền để trồng rừng, làm bể chứa cacbon, sau này có thể mua bán cacbon trừ tiền sau. cũng sẽ đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích doanh nghiệp chủ động đóng góp cho hoạt động trồng rừng.
Nhưng quan trọng nhất, quá trình triển khai chính sách phải được thực hiện đồng bộ từ TW tới các địa phương. Ông Lực chỉ ra: Chính sách đã ban hành rất đầy đủ, nhưng khi đưa xuống các địa phương tại triển khai mỗi nơi một kiểu. Chính quyền cấp huyện chỉ nắm sơ sơ, đến xã thì càng ít và nhất là không đến dân. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền chính sách phải được cải thiện hơn nữa, theo cả chiều dọc và chiều ngang. Người dân phải được tiếp cận với chính sách của nhà nước, hiểu được quyền và trách nhiệm của mình. Mà muốn làm được như vậy thì các địa phương phải nắm vững chính sách, kết hợp với tiềm lực sẵn có ở địa bàn của mình để đưa ra điều chỉnh phù hợp, từ đó tuyên truyền tới người dân.

TẬN DỤNG ĐỘNG LỰC TỪ THỊ TRƯỜNG
Việt Nam trong những năm gần đây thì đã nổi lên như một quốc gia chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. Chúng ta đang xếp thứ năm về tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng nhóm chế biến sâu, nhóm đồ mộc, đồ nội thất thì Việt Nam đứng thứ hai, chỉ xếp sau Trung Quốc. Như vậy đã đủ để thấy tiềm lực phát triển rất lớn của thị trường gỗ. Tuy nhiên, để tận dụng được thị trường đầu ra ổn định đó, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định tại buổi Tọa đàm: phải nâng cao uy tín và thương hiệu ngành công nghiệp gỗ Việt Nam có trách nhiệm, góp phần giảm tình trạng mất rừng trên toàn cầu. Bởi lẽ, trong bối cảnh nạn phá rừng diễn ra ở tình trạng báo động như hiện nay, các bạn hàng trên thế giới rất quan tâm đến nguyên liệu đầu vào của ngành. Vì vậy, rõ ràng là doanh nghiệp muốn thu được lợi nhuận từ thị trường gỗ thì cần tôn trọng và có hành động bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Trước mắt, để thúc đẩy hành động của các doanh nghiệp, Việt Nam đã ký Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản, đồng thời chuẩn bị thực hiện EUPR – một bộ quy định mới của EU về việc không gây mất rừng và không làm suy thoái rừng. Ngoài ra, ta cũng ký thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ để xử lý việc loại bỏ hoàn toàn gỗ khai thác bất hợp pháp khỏi chuỗi cung. Ông Hoài cũng chia sẻ: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ Việt Nam Xanh, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để đầu tư cho các dự án trồng và phục hồi rừng. Đây chính là nguồn lực mà các tổ chức như VARS có thể tiếp cận ngay lúc này. Xa hơn, ông Hoài gợi ý có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các sáng kiến quốc tế, như USAID, The Canada Fund for Local Initiatives,….
Mặt khác, bên cạnh những thị trường truyền thống, thị trường tín chỉ carbon cũng là điều cần đặc biệt quan tâm. TS Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu đã cho biết: “Chúng ta bán tín chỉ carbon với giá 5 đô la cho một tấn cacbon hấp thụ, đây là một cái giá rẻ nhất thế giới, rất rẻ và tôi cho rằng là bán hớ với mức như thế. Thị trường châu Âu hiện nay đang có giá là 61 euro/tín chỉ carbon. Như vậy giá chúng ta bán chỉ bằng 1/10 so với thị trường châu Âu.” Tuy nhiên, đây là giai đoạn thử nghiệm. Dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP, theo đó, dự kiến đến năm 2028 Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Nếu như chúng ta tham gia vào thị trường quốc tế, bán chủ động thì việc không thông qua trung gian sẽ giúp giá của các tín chỉ cacbon nâng cao hơn rất nhiều so với bây giờ. Khi đó người trồng rừng có thể hưởng lợi từ việc bán tín chỉ các bon thay vì nhìn thấy cây keo như một giải pháp ngắn hạn việc thu hoạch về rừng. Việc trồng cây bản địa đã là một chiến lược rất là tốt trong việc giữ rừng rồi, nhưng những cây rừng như cây giổi, cây lim có khi phải 30 năm. 30 năm đó không khai thác, không cắt thì người trồng không thu được gì cả, cuối cùng không có động lực để giữ. Vậy thì biến các khoảng rừng đó trở thành những cái rừng bán tín chỉ carbon. Hãy nhìn đây là cơ hội mà giữ cây lại, chứ không chỉ là nguồn tài nguyên lấy gỗ.” – ông Huy chia sẻ.
XÁC ĐỊNH TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC, ĐA MỤC TIÊU
Bài toán nguồn vốn và sinh kế cho người dân gần như đã có lời giải. Nhưng vấn đề mới được đặt ra, đó là làm sao để quá trình triển khai “lời giải” đó được lâu dài, bền vững? Làm sao để đảm bảo những cây nông nghiệp trồng dưới tán rừng sẽ mang lại nguồn thu xứng đáng với công sức người trồng rừng bỏ ra? Làm sao để đến một ngày nào đó, người dân sẽ tự trồng rừng mà không cần phụ thuộc vào nguồn vốn từ những doanh nghiệp tài trợ hay các tổ chức như VARS? PGS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng cây Di sản Việt Nam đã đưa ra những vấn đề trên và nêu bật vai trò của chuỗi sản xuất cũng như cái nhìn đa chiều trong chiến lược trồng rừng.

Ông chia sẻ: “Một trong những câu hỏi rất nhiều đại biểu đưa ra là làm thế nào để có hiệu quả lâu dài? Việc có thể làm là trồng cây thuốc, cây lâm sản dưới tán rừng. Nhưng không chỉ trồng, tôi lại rất quan tâm ở chỗ để nâng cao giá trị thì cần phải tạo được chuỗi: từ trồng, thu hái, sơ chế bảo quản đến chế biến sâu và thành sản phẩm gốc cho từng xã một. Ví dụ với cây thuốc, có thể xây dựng vườn sưu tập giống, chọn lọc, chế biến sâu thì cả xã đó sẽ là vùng dược liệu để cung cấp cho một cơ sở chế biến ngay tại xã. Rồi sản phẩm đấy có thể bán trong cả nước, bán ra cả nước ngoài, bán qua con đường online, gián tiếp, trực tiếp,…. Dưới góc độ kinh tế thì đấy là tiếp thị thị trường và mở rộng mạng lưới thị trường.”

Bên cạnh đó, ở góc độ là một chuyên gia nghiên cứu, ông Hải cũng lưu ý: “Chúng ta trồng rừng hàng loạt thì chỉ có tầng che phủ phía trên, như vậy việc bảo vệ môi trường sẽ kém hơn so với tự nhiên. Còn nếu ta trồng rừng nhiều tầng, tức là hỗn giao giữa các loại cây gỗ lớn khác nhau, hỗn giao giữa các giai đoạn tuổi khác nhau và đưa thêm các loại cây thuốc, cây lâm sản gỗ dưới tán rừng thì nó sẽ tăng khả năng bảo vệ môi trường gần với rừng tự nhiên.”

Còn dưới góc độ xã hội, cây rừng có thể phục vụ cho nhiều mục tiêu khác, như tâm linh, du lịch, đại diện văn hóa,… Ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình có cây gạo, gắn bó với bao đời dân làng, người dân chủ động quan tâm, gìn giữ cây gạo. Một cái cây lâu năm như vậy khẳng định năng lực của chính người dân để bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Vậy nếu chúng ta có các biện pháp phù hợp để truyền thông tới người dân, công nhận các khu rừng như di sản địa phương, đây có thể trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch, và nguồn kinh phí từ khách tham quan hoàn toàn có thể dùng làm phí chăm sóc rừng.

Cuối cùng, vấn đề bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ cũng được thảo luận. Các đại biểu đã chỉ ra thực trạng học sinh ngày nay không mấy mặn mà với ngành lâm sinh, đa số thiếu hụt kiến thức về tự nhiên, sinh thái và đề xuất xây dựng mô hình rừng để cho học sinh tham quan, trải nghiệm và bồi dưỡng tình yêu với rừng từ nhỏ. Từ đó, trong tương lai, chúng ta sẽ có một thế hệ có nhận thức từ sớm về vai trò của rừng, và đặc biệt là xây dựng được đội ngũ nhân sự vững kiến thức, có nhiều sáng kiến để xử lý các vấn đề còn vướng mắc.
Bình luận