“Hồi xưa chỗ này là rừng…”
Trước năm 1945, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta là 14,3 triệu hecta, tỉ lệ che phủ đạt 43%. Rừng giữ nước, ngăn lũ, chắn gió, thanh lọc không khí. Rừng cho nguyên liệu, cho thức ăn, cho thảo dược, là nguồn sinh kế của nhiều gia đình. Rừng đi cùng đất nước qua hai cuộc kháng chiến, che chở cho quân và dân. Cuộc sống của con người từ bao đời nay đã luôn dựa vào rừng.


“Rừng tự nhiên đang dần biến mất!”
Hơn 40% diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam đã biến mất. Bom đạn chiến tranh, khai thác gỗ quá mức, chuyển đổi rừng tự nhiên sang bỏ trống đất sau khi đã bạc màu,… – con người đang tận diệt rừng. Trong giai đoạn 2019 – 2022, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 158.352ha, tức là trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 39.588ha rừng, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
“Mất rừng để lại những hậu quả khôn lường…”
Thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán diễn ra thường xuyên hơn. Mỗi năm nước ta gánh chịu khoảng 10-15 trận lũ quét và sạt lở đất, nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài. Thêm vào đó là suy giảm đa dạng hệ sinh thái, suy giảm số lượng động vật hoang dã, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính,…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản, đời sống của mỗi chúng ta.


Là những người đã lớn lên nhờ rừng và gắn bó với rừng, chúng tôi không cho phép mình thờ ơ chứng kiến tình cảnh ấy. Chính vì vậy, công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) ra đời, mang theo tâm huyết của những người sáng lập. VARS được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 12/2020, theo hình thức phi lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng đầu nguồn bằng những giống cây bản địa.
SỨ MỆNH
Khôi phục rừng tự nhiên để bảo tồn hệ sinh thái, duy trì sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi Việt Nam
TẦM NHÌN
Đến 2027, VARS sẽ trồng được 1000 ha rừng tại đầu nguồn sông Gianh (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Thu Bồn (Quảng Nam), trở thành một tổ chức uy tín, có năng lực chuyên môn để các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân tin tưởng ủy thác.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI
- Bền vững: Quy trình dự án chặt chẽ, phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương thông qua các thỏa thuận rõ ràng;
- Tâm huyết: Các thành viên và chủ rừng làm việc trên tinh thần cống hiến, thật sự mong muốn bảo vệ rừng;
- Trách nhiệm: Minh bạch trong mọi hoạt động; triển khai dự án theo tầm nhìn chiến lược rõ ràng;
- Hợp tác cùng phát triển: Sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để trao đổi, học hỏi và kiến tạo mạng lưới cộng đồng chung tay bảo vệ rừng.