Gây quỹ

Với “mỗi 50 nghìn đồng” được đóng góp,  VARS  trồng được một cây bản địa như lim, gõ, dổi, vàng tâm… (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Hoạt động của VARS 100% dựa vào nguồn đóng góp từ các cá nhân cũng như đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp. 

Phương thức triển khai dự án 

Lựa chọn địa điểm

VARS chọn phục hồi rừng vùng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn, bởi tái tạo hệ sinh thái rừng đầu nguồn là cốt lõi để cải thiện môi trường, giảm thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Các diện tích đất trồng rừng của VARS đảm bảo tiêu chí: Đất có chủ quản lý (hộ gia đình, Cộng đồng dân cư, Doanh nghiệp,…), sử dụng từ lâu và không có tranh chấp; Quy mô diện tích từ 0,5ha trở lên; Không hỗ trợ việc chuyển những diện rừng tự nhiên đang hồi phục (kể cả diện tích gia đình có quyền quản lý sử dụng) tiếp nhận Chương trình.

Cây giống và phương pháp trồng

Tiêu chuẩn cây giống và phương pháp trồng tuân thủ Hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. VARS khuyến nghị từng địa phương sử dụng các bộ giống riêng phù hợp với điều kiện cụ thể về đất đai, khí hậu, nguồn nước,… thay vì một định hướng cơ cấu giống nhau cho cả vùng rộng lớn. Các kiến thức liên quan được VARS tổng hợp thành tài liệu tập huấn cho người dân.

Tính chất rừng trồng
VARS, Góp Một Cây Để Có Rừng

Rừng được trồng là rừng cây bản địa trên diện tích đất sản xuất. Chính vì thế, những khu rừng của VARS không chỉ có ý nghĩa sinh thái mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Chủ rừng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng, đồng thời khai thác tài nguyên từ rừng trong tương lai để đảm bảo nguồn sinh kế trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, việc khai thác phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật và nguyên tắc VARS đề ra, được đề cập rõ trước khi triển khai dự án và có ràng buộc trách nhiệm thông qua cam kết. 

Quy trình trồng rừng của VARS

Hợp tác 3 bên: VARS – Chủ rừng – Chính quyền địa phương

Với mục tiêu đảm bảo rừng sống khỏe – bền vững – giúp ích lâu dài cho địa phương, tất cả các dự án do VARS thực hiện đều tiến hành quy trình hợp tác ba bên giữa VARS – Chính quyền địa phương – Chủ rừng. 

Trước khi tiến hành trồng rừng, VARS, Chủ rừng và Ủy ban nhân dân xã sẽ ký Bản cam kết trồng rừng 03 bên, trong đó quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi tham gia Chương trình “Góp một cây để có rừng”. Cam kết là ràng buộc pháp lý nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm cho tất cả các bên liên quan, giúp dự án được tiến hành bền vững.

 

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trước khi bắt đầu dự án, VARS tiến hành làm việc cùng chính quyền địa phương các cấp để đạt được sự thống nhất. Chính quyền địa phương có trách nhiệm: 

  • Phối hợp cùng VARS và các cộng sự để tiến hành thẩm định, phê duyệt, lập hồ sơ trồng rừng; 
  • Tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển và khai thác rừng bền vững định kỳ hàng năm.

 

Trách nhiệm của VARS
  • Cung cấp 100% cây giống và vật tư phân bón theo tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ thêm một phần kinh phí trồng và chăm sóc rừng (dựa trên kết quả nghiệm thu). 
  • Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng cho các chủ hộ để đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây. 
  • Tổ chức nghiệm thu và xử lý những vấn đề phát sinh
  • Báo cáo kết quả trồng và chăm sóc rừng 

 

Trách nhiệm của chủ hộ trồng rừng
  • Trồng dặm và chăm sóc tối thiểu 2 lần/năm trong vòng 3 năm (thời điểm cây khép tán và có thể tự sinh trưởng). 
  • Không được phép tự ý chuyển đổi loại cây trồng theo thỏa thuận sang trồng các loại cây khác. 
  • Chủ hộ có quyền khai thác tài nguyên từ rừng của mình, tuy nhiên cần tuyệt đối tuân thủ phương án khai thác rừng bền vững theo quy định của Pháp luật, không được khai thác trắng hoặc khai thác quá 20% trữ lượng rừng.