CỰU HỌC SINH KHÓA 1 AMSTERDAM TẠI SÀI GÒN TRỒNG 1000 CÂY TRONG DỰ ÁN “KHÔI PHỤC RỪNG ĐẦU NGUỒN SÔNG GIANH”

Hôm qua, 08-5-2021, nhóm cựu học sinh khóa 1 trường THPT chuyên Hà Nội, Amsterdam, đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã đến Quảng Bình, trồng những cây đầu tiên cho sáng kiến “góp 1000 cây xanh” trong dự án “Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh” của VARS.

Chị Bùi Bích Thủy, đại diện nhóm chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện khá nhiều chương trình tình nguyện, tuy nhiên, đây là chương trình đầu tiên liên quan đến góp cây, trồng rừng. Hôm đó, tình cờ biết chương trình khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh của VARS qua chia sẻ của một người bạn, với lợi kêu gọi: “góp một cây để có rừng”, chúng tôi đã quyết phải cùng nhau đến nơi đó, cùng VARS, cùng bà con người Mã Liềng phủ lại màu xanh cho rừng, để trong tương lai giảm thiểu được những thảm họa do lũ lụt gây nên”.

Vài ngày sau lễ khởi động Dự án, 21-3-2021, nhóm đã liên hệ với VARS bày tỏ mong muốn được trồng và đóng góp 1000 cây cho chương trình Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh. VARS cùng đối tác địa phương là CEGORN và cộng đồng bản Kè đã bố trí, dành riêng cho các “Amsers” một phần diện tích để trồng cây dổi xanh, vừa là loại cây gỗ bản địa quý hiếm, vừa có thể cung cấp quả để cải thiện sinh kế cho người dân.

Trong thời gian ở Quảng Bình, nhóm đã lên rừng cộng đồng, tham quan những diện tích đã được người dân trồng từ khi khởi động chương trình và trực tiếp trồng những cây đầu tiên trên diện tích được bố trí, chị Thủy nói tiếp: “Nhìn những cây bản địa đã bén rễ xanh tươi sau những ngày mưa đầu hạ, rồi nhìn những cây lim xanh được người dân trồng thử vào 2 năm trước, chúng tôi cảm thấy quyết định của mình góp sức với cộng đồng, với VARS là rất đúng đắn”.

Các Amsers hào hứng: “Hai năm nữa, cây chúng tôi sẽ mạnh khỏe như những cây ở kia, rồi 10 năm nữa rừng sẽ được phủ xanh, 20 năm nữa những cây dổi đã lớn, thành gỗ cứng cáp. Mỗi lần quay lại, chúng tôi cũng sẽ tự mình đi lên, hít thở không khí trong lành của miền sơn cước, ngắm nhìn sự phát triển, lớn lên của chính những cây mà mình đã trồng. Hi vọng của chúng tôi là đất không còn sạt lở, sinh kế của người dân được tốt hơn. Chỉ vậy thôi!”

Các cựu học sinh Amsterdam còn tặng 62 hộ dân người Mã Liềng mỗi hộ 10 kg gạo, 300 nghìn đồng, một hộp khẩu trang và cồn y tế cùng bánh kẹo.

Dự kiến lúc đầu sẽ có khá đông các Amsers bay ra từ TP HCM nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên chỉ có bảy thành viên đại diện cho nhóm có mặt tại Bản Kè. Các thành viên đã tuân thủ các quy định đảm bảo phòng chống dịch Covid.

Cũng hôm qua, phiên đấu giá bản in đầu tiên của tác phẩm Tướng Về Hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã kết thúc, nhà Việt Nam học Alex Thai đã mua cuốn sách với mức giá lên đến 72 triệu VND (tương ứng với số tuổi thọ của nhà văn). Những người tham gia đấu giá đã góp thêm 35 triệu.

Trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là sáng kiến của vợ chồng GS Peter Zinoman (giảng dạy lịch sử Đông Nam Á tại Đại học UC Berkeley và là người sáng lập tạp chí Việt Nam học Journal of Vietnamese Studies). Hằng năm, vào đúng sinh nhật của mình, phu nhân giáo sư, chị Nguyệt Cầm, vẫn nhắn cho bạn bè một địa chỉ để thay vì tặng hoa, quà, bạn bè trong Nước trồng giúp chị một cây. Sáng kiến của Nguyệt Cầm – Peter Zinoman là rất ý nghĩa.

VARS đang làm việc với địa phương để sử dụng toàn bộ số tiền này, trồng một cánh rừng tưởng niệm “cha đẻ” của “Tướng Về Hưu”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Cám ơn các bạn đã hưởng ứng Chương trình của VARS. Cám ơn các cựu học sinh Amsterdam đang làm việc tại TP HCM. Cám ơn T&A Ogilvy đã đồng hành cùng VARS – Góp Một Cây Để Có Rừng.

PS: Với “mỗi 50 nghìn đồng” góp vào tài khoản dưới đây, chúng tôi sẽ trồng được một cây bản địa như lim, gõ, dỗi, vàng tâm… (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Trong năm nay, chúng tôi dự định sẽ trồng 100 hecta, hiện đã trồng xong 8,3 hecta ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Tài khoản của công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam:
Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội, số tài khoản 213216; Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, số tài khoản 19036682427014.

#VARS #phủxanhsôngGianh #Gópmộtcâyđểcórừng #TAO

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *