Tháng 3 hàng năm chính là thời điểm VARS khởi động năm trồng rừng mới. Đánh dấu năm trồng rừng thứ 4, ngày 29/03/2024 tới, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) tổ chức Chương trình Tham quan mô hình rừng trồng và Tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh” tại huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Sau ba năm hoạt động, Chương trình “Góp một cây để có rừng” đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La. Tính đến tháng 3 năm 2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn 521 hecta, tương đương với 617.102 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan. Đây chính là thời điểm thích hợp để đưa ra những đánh giá về mô hình trồng rừng VARS đã triển khai.
Vì vậy, với hai hoạt động chính: tham quan các mô hình rừng bản địa 1-3 tuổi (Chương trình VARS) và 12 tuổi (mô hình của người dân địa phương) tại Quảng Bình và hoạt động tọa đàm, VARS hướng tới đánh giá kết quả ban đầu của mô hình trồng rừng, lắng nghe những đề xuất, giải pháp từ nhiều đơn vị khác nhau, nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình phục hồi rừng tự nhiên từ việc huy động đóng góp nguồn lực xã hội hoá.



Năm nay, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 hecta diện tích rừng, chủ yếu tại địa bàn Quảng Trị. Đồng thời, hưởng ứng chủ đề của Ngày Quốc tế về Rừng 2024: “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”, VARS hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng.
Bình luận