QUỸ HÀNH TRÌNH XANH ĐỒNG HÀNH CÙNG VARS

Sắp Trồng Xong 70 Hecta của Giai Đoạn II, III

Quỹ Hành Trình Xành vừa ký hợp đồng “Góp 10 Nghìn Cây”, từ nay tới 1-7-2022, cho Dự án Trồng & Phục hồi Rừng Đầu nguồn sông Gianh. Quỹ đã chuyển ngay 275 triệu VND, tương đương với 50% giá trị hợp đồng.

Quỹ Xã Hội – Từ Thiện Hành Trình Xanh (28C – 28D phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), tiền thân là quỹ từ thiện Nhân Gian hoạt động từ năm 2012, đến năm 2018 thì đổi tên thành Hành Trình Xanh. Quỹ Hành Trình Xanh là tổ chức được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ bảo vệ môi trường, giúp đỡ các bệnh nhân hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn.

Trong 9 năm qua, quỹ Hành Trình Xanh đã thực hiện nhiều chương trình, dự án về cộng đồng, từ thiện rộng khắp trên cả nước, giúp đỡ nhiều cá nhân, tổ chức, làng xã… và truyền động lực, khát vọng vươn lên cho những số phận kém may mắn trong giới học sinh và lan tỏa rộng khắp những hành trình yêu thương.

Chiều qua, 4-11-2021, đại diện một gia đình công tác trong ngành y đã bàn với VARS kế hoạch đồng hành trong 5 năm với mỗi năm góp một lượng cây có giá trị không ít hơn 30 triệu VND.

Trước đó, Chương trình “Góp Một Cây Để Có Rừng” đã nhận được 100 triệu của một kiến trúc sư sinh 1972 (xin giấu tên); 35 triệu từ VietBank (70% chuyển trước từ khoản đóng góp 50 triệu VND); 50 triệu từ “Một Ông Anh”(tham gia trồng rừng đợt II); “Anh Hải” vẫn đều đặn “ủng hộ trồng rừng” và hàng trăm bạn khác vẫn lặng lẽ đồng hành cùng chúng tôi tại hai tài khoản của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam.

Những tín hiệu này cho thấy, dịch bệnh có thể làm kiệt quệ nhiều nguồn lực của xã hội nhưng con người không những không bị khuất phục mà còn càng quan tâm nhiều hơn, nỗ lực lớn hơn để bảo vệ môi trường sống của mình.

Tại Quảng Bình:

Sau khi hoàn thành đợt I, trồng 8,3 hecta Rừng Cộng đồng của người Mã Liềng ở Bản Kè, với tỷ lệ cây sống trên 94% và tăng trưởng tốt, từ ngày 10-10-2021, VARS bắt đầu Giai đoạn II, trồng 50,35 hecta và đang chuẩn bị Giai đoạn III, trồng 20 hecta. Đưa tổng số diện tích rừng trồng được trong năm 2021 lên 78,65 hecta (tính cả 8,3 hecta rừng Cộng đồng bản Kè, xã Lâm Hóa đã trồng trong Giai đoạn I).

Trên tổng số 1.784 hecta người dân đăng ký tham gia Dự án, VARS và đội hỗ trợ kỹ thuật đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng Cao (CEGORN) phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa, Hạt Kiểm Lâm, UBND các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa đã xác định được 70,35 hecta đủ điều kiện và hoàn thành các thủ tục pháp lý để trồng. Những trường hợp được chọn, không chỉ đảm bảo về điều kiện đất đai, nhân lực mà còn thực sự nắm chắc, chia sẻ và cam kết thực hiện mục tiêu của VARS: Trồng và Phục hồi Rừng tự nhiên.

Tuần qua, chúng tôi đã khảo sát và đánh giá sơ bộ kết quả trồng rừng Giai đoạn II. Đây là giai đoạn mà rừng chủ yếu được trồng trên đất đã được giao cho các hộ gia đình. Lâu nay, trên phần đất này, bà con trồng keo, nay nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc phục hồi rừng tự nhiên nên bỏ keo, trồng cây bản địa. Kết quả, cây trồng được chăm sóc rất tốt, bà con nói với chúng tôi là sẽ đảm bảo để cây sống trên 99%. Kỹ sư Lê Công Nam của Trung tâm CEGORN cam kết sẽ cung cấp đủ cây giống cho bà con trồng và thay thế cây chết hoặc cây phát triển không như ý.

Cám ơn các cộng sự của VARS ở Quảng Bình như Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa, CIRD (Hồng Ngô Văn) và CEGORN (Lê Công Nam) đã dùng tất cả tâm huyết để, không chỉ nỗ lực Khôi phục Rừng đầu nguồn sông Gianh mà còn chung tay với các cộng đồng bản địa xây dựng cuộc sống bền vững cả về kinh tế và văn hóa. Xin cám ơn chính quyền huyện Tuyên Hóa và các xã đã tạo mọi điều kiện để thực hiện Dự án. Xin cám ơn tất cả các bạn, cám ơn T&A Ogilvy đã đồng hành cùng VARS – Góp Một Cây Để Có Rừng.

Với “mỗi 50 nghìn đồng” được đóng góp, chúng tôi sẽ trồng được một cây bản địa như lim, gõ, giỗi, vàng tâm… (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Xin hãy Góp Một Cây ở đây:

  • Số tài khoản 213216, Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội [Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam].
  • Số tài khoản 19036682427014 Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội [Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam].

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *